Trang chủ Trang chủ

Kỹ năng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 giúp con nhanh chóng hoà nhập

07/03/2024
631
Đâu là những kỹ năng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 mà ba mẹ cần phải “nằm lòng”? Bước vào lớp 1, con sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho việc học và phải tập làm quen với nhiều điều mới mẻ mà không có sự đồng hành thường xuyên của ba mẹ. Để con bước vào lớp 1 một cách tự tin nhất, ba mẹ hãy trang bị cho con những hành trang quan trọng dưới đây.

Nội dung chính

  1. 1. Kỹ năng học tập
    1. 1.1. Nhận biết được các chữ trong bảng chữ cái
    2. 1.2. Biết viết tên của mình
    3. 1.3. Biết đếm số
    4. 1.4. Kỹ năng tập trung
    5. 1.5. Biết cách đặt câu hỏi
    6. 1.6. Nhận biết về thế giới tự nhiên
  2. 2. Kỹ năng sống
    1. 2.1. Kỹ năng giao tiếp, chào hỏi
    2. 2.2. Kỹ năng làm quen, kết bạn
    3. 2.3. Biết cảm thông và chia sẻ
    4. 2.4. Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi
    5. 2.5. Kỹ năng đề nghị sự giúp đỡ
    6. 2.6. Tự lập, có thể tự chăm sóc, tự phục vụ bản thân
    7. 2.7. Kỹ năng bảo vệ bản thân khi đi lạc
    8. 2.8. Kỹ năng phòng chống xâm hại
    9. 2.9. Kỹ năng vận động
    10. 2.10. Giữ trật tự trong lớp học
  3. 3. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi bước vào lớp 1
 

1. Kỹ năng học tập

Học tập là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà ba mẹ nên chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 một cách kỹ càng. Trang bị tốt những kỹ năng này, ba mẹ không còn phải lo sợ rằng con sẽ không thể theo kịp chương trình học tại lớp. Ngoài ra, ba mẹ cũng không nên thúc ép trẻ quá nhiều nếu trẻ không nhanh nhạy trong việc tiếp thu những kỹ năng học tập cần thiết trước khi bước vào lớp 1. Lý do là vì mỗi bạn nhỏ sẽ có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, nên ba mẹ có thể khám phá điểm mạnh trong học tập của con để tìm ra phương án học tập phù hợp.

1.1. Nhận biết được các chữ trong bảng chữ cái

Để con không quá bỡ ngỡ khi học lớp 1, ba mẹ cũng cần cho con được rèn luyện kỹ năng đọc viết các chữ cái tiếng Việt, lý tưởng hơn là cách đánh vần và ghép các từ đơn và kép.

Giai đoạn trẻ mới bắt đầu học chữ rất quan trọng, nên ba mẹ cần phải để con được đồng hành với những thầy cô có kinh nghiệm. Có được sự đồng hành đó, con có thể ghi nhớ các chữ cái và học tập nhanh chóng hơn. Ba mẹ có thể lựa chọn chương trình giáo dục mầm non hoặc một số khóa học uy tín dành cho trẻ từ 4 – 6 tuổi. 

Tại nhà, ba mẹ cũng nên tạo thêm không gian để con được cọ xát nhiều hơn với bảng chữ cái. Ba mẹ có thể sử dụng một tấm poster hoặc các flashcard với những hình ảnh sinh động và đọc cùng con. Hoặc ba mẹ cũng có thể cho con xem các video, bài hát hướng dẫn cách đọc bảng chữ cái vui nhộn. Luyện tập càng nhiều, con càng sành sỏi trong việc nhận diện các chữ cái.

1.2. Biết viết tên của mình

Để tạo hứng thú cho trẻ trong việc tập đọc và tập viết, ba mẹ có thể dạy trẻ viết họ tên đầy đủ của mình. Nếu có thể tự tay viết được tên của mình, bé cũng sẽ muốn biết thêm nhiều chữ cái khác để có thể viết tên của ba, mẹ hoặc một điều gì đó trẻ thích.

Kỹ năng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 này cũng không khó thực hiện. Ba mẹ chỉ cần in hoặc viết tên của con lên giấy bằng những nét gạch rồi sau đó để con viết theo những nét đó là được. Cách thức này cũng giống như khi dạy con luyện viết chữ vậy. Ba mẹ cũng nên chọn những phông chữ to, rõ ràng và dễ nhìn nhé. Sau khi trẻ đã quen tay, ba mẹ có thể dừng cho trẻ viết theo cái nét đã có sẵn để tự viết lại tên của mình.

1.3. Biết đếm số

Khi con bước vào lớp 1, ba mẹ cũng cần hoàn thiện kỹ năng đếm số của con. Song song với bảng chữ cái, các con số cũng sẽ là một trong những điều mà trẻ sẽ được học tại lớp.

Trước tiên, ba mẹ hãy dạy con cách đếm số lượng các đồ vật. Để con dễ nhớ hơn, hãy sử dụng các đồ vật quen thuộc trong nhà để làm ví dụ. Một lời khuyên khá hữu ích là ba mẹ hãy tập đếm cùng con và đừng để con có suy nghĩ rằng bản thân đang phải học một cái gì đó rất nhàm chán.

Sau khi trẻ đã quen với cách đếm số lượng, ba mẹ hãy dạy con nhận biết các mặt chữ số từ 0 – 9. Để kích thích niềm hứng thú của con, ba mẹ hãy phối hợp nhiều cách học khác nhau như tô màu các con số khi viết, vừa viết vừa đọc to rõ các chữ số hoặc diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể.

1.4. Kỹ năng tập trung

Thông thường, trẻ đã quen với các hoạt động vui chơi từ bé nên khi phải ngồi học hàng giờ liền, trẻ sẽ khó có khả năng tập trung cao độ như người lớn. Hơn nữa, với tính tò mò thế giới xung quanh của mình, trẻ sẽ rất dễ xao nhãng chỉ vì những thứ nhỏ nhặt.

Để hạn chế điều này khi con bước vào lớp 1, ba mẹ hãy rèn luyện kỹ năng tập trung cho con bằng một số biện pháp sau:

  • Tạo một không gian học tập yên tĩnh và tối giản nhất có thể để trẻ không tập trung sự chú ý của mình cho những vật thể xung quanh.
  • Không bắt ép trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc học và nên có thời gian biểu kết hợp đan xen giữa việc học và chơi.
  • Dành thời gian để ngồi học cùng trẻ. Khi có sự đồng hành của ba mẹ hoặc một ai đó, trẻ sẽ chịu ngồi vào ghế để học hành nghiêm chỉnh hơn.
  • Lắng nghe và nắm bắt những khó khăn trong việc học của trẻ. Một số bé sẽ gặp hạn chế trong việc tập trung, nên ba mẹ phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cũng như cách khắc phục cho việc này.
  • 1.5. Biết cách đặt câu hỏi

    Thế giới xung quanh luôn tồn tại những điều mới lạ đối với trẻ. Đặc biệt là khi bước vào lớp 1, những thứ mà trẻ chưa được học trước đây lại càng kích thích tính tò mò của trẻ. Hơn nữa, việc đặt ra những câu hỏi cũng là cách để trẻ khơi dậy trí thông minh, khả năng tư duy và tính tò mò của mình. Do đó, ba mẹ cũng nên khuyến khích trẻ đưa ra các câu hỏi liên quan đến bài học và một số sự vật, sự việc xung quanh.

    Hãy luôn đáp lại mọi câu hỏi của trẻ dù câu hỏi đó có phức tạp đến đâu. Nếu câu hỏi đó nằm ngoài tầm hiểu biết, ba mẹ có thể tra cứu thêm thông tin hoặc nhờ sự trợ giúp của người khác để thỏa mãn các câu hỏi đó. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên hướng trẻ đến những câu hỏi có tính trọng tâm và hơn hết là khuyến khích trẻ tự mình tìm ra câu trả lời với sự hướng dẫn của người lớn.

    1.6. Nhận biết về thế giới tự nhiên

    Theo một nghiên cứu đến từ Đại học Hasselt (Bỉ), trẻ thường sẽ có chỉ số thông minh cao hơn khi được gần gũi với thiên nhiên. Dạy trẻ lớp 1 về thế giới tự nhiên còn là cách để trẻ nuôi dưỡng tình yêu thương, nâng cao khả năng quan sát và tăng cường sức khỏe. Hơn nữa, thế giới tự nhiên còn là một môi trường học tập khổng lồ giúp các em khơi gợi trí tò mò của mình và tạo được niềm hứng thú đối với các môn học tự nhiên.

    Nếu có cơ hội, ba mẹ hãy để trẻ tham gia vào các hoạt động khám phá thiên nhiên dành cho trẻ em hoặc tiếp xúc nhiều hơn với thế giới động, thực vật. Trồng cây xanh, trồng hoa, nuôi thú cưng, tham quan những khu rừng hay vườn bách thú cũng là một cách hay để dạy trẻ nâng cao sự nhận biết về thế giới tự nhiên. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, ba mẹ hãy dành thời gian để trao đổi thêm với trẻ về những con vật, cây trồng mà trẻ hứng thú.

    2. Kỹ năng sống

    Bên cạnh các kỹ năng học tập, các kỹ năng sống cũng là những kỹ năng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 mà ba mẹ cũng cần lưu ý. Môi trường học tập khi bước vào lớp 1 đòi hỏi trẻ phải có tính kỷ luật và sự linh hoạt trong việc tiếp xúc với người khác. Khi đã sở hữu những kỹ năng sống cần thiết, trẻ sẽ có thể mạnh dạn hơn để vượt qua những khó khăn trong đời sống học đường và xã hội.

    2.1. Kỹ năng giao tiếp, chào hỏi

    Bước chân vào môi trường mới, một số bé sẽ có khuynh hướng sợ sệt và tỏ ra rụt rè khi giao tiếp với bạn bè và thầy cô giáo mới. Nếu không có kỹ năng giao tiếp tốt, trẻ sẽ khó hòa nhập và biểu đạt những điều mình muốn nói. Điều này nếu không được giải quyết sớm đôi khi sẽ khiến trẻ trở nên thu mình lại và thầy cô cũng sẽ không hiểu được các vấn đề mà trẻ gặp phải.

    Để trẻ có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường mới và cởi mở hơn với người khác, ba mẹ cần giúp trẻ giao tiếp nhiều hơn trong đời sống thường ngày cũng như trong thời gian trẻ còn học mầm non. Hãy trao cho trẻ cơ hội được nói và thể hiện bản thân nhiều hơn và hãy khuyến khích trẻ lắng nghe những điều người khác nói. Ngoài ra, ba mẹ cũng cần tập cho trẻ thói quen chào hỏi lễ phép với người lớn tuổi cũng như cách chào bạn bè chan hòa trong lần đầu gặp mặt.

    2.2. Kỹ năng làm quen, kết bạn

    Làm quen và kết bạn cũng là kỹ năng cần thiết khi con bước vào lớp 1. Khi được trau dồi kỹ năng này từ sớm, con sẽ không gặp nhiều trở ngại trong việc bắt chuyện với người mới cũng như tự tin hơn để mở rộng mối quan hệ với các bạn ngoài lớp.

    Với một số bé sẽ có tính cách hướng nội và không thích việc tiếp xúc với người lạ, ba mẹ cũng không nên ép trẻ quá. Thay vào đó, hãy kiên trì khuyến khích trẻ tự giới thiệu bản thân và hướng dẫn một số cách để làm quen với bạn bè theo cách riêng của trẻ. Trong ngày đầu nhập học, ba mẹ hãy truyền năng lượng và tạo động lực để con mạnh dạn giới thiệu bản thân và làm quen với những người bạn mới gặp.

    2.3. Biết cảm thông và chia sẻ

    Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng đã biết cách cảm thông và chia sẻ mà điều đó được nuôi dưỡng dưới sự chỉ bảo của ba mẹ. Hai kỹ năng này cũng quan trọng không kém trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Thông thường, khi có “cái tôi” cao, trẻ sẽ khó có được sự đồng cảm với người. Điều này đôi khi khiến trẻ không thấu hiểu được hoàn cảnh của người khác hay những việc mà họ làm.

    Hãy để trẻ được vui chơi với nhiều bạn nhỏ hơn để trẻ sớm làm quen với những khác biệt trong mặt tính cách và tâm sinh lý của nhiều lứa tuổi khác nhau. Nếu có thể, hãy tập cho trẻ thói quen nhường nhịn những bạn nhỏ tuổi hoặc yếu thế hơn. Hãy giúp trẻ biểu hiện những mặt cảm xúc và tìm hướng giải quyết một cách tích cực nhất.

    2.4. Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi

    Sẽ thật tuyệt nếu các em biết nói những lời “cảm ơn và xin lỗi” một cách chân thành đúng lúc và đúng chỗ ngay từ khi chập chững bước vào lớp 1. Bằng cách này, các em sẽ thể hiện được sự tôn trọng đối với thầy cô, bạn bè mỗi khi các em nhận được sự giúp đỡ hay phạm một lỗi lầm gì đó.

    Hãy dạy con tự giác nhận lỗi, mạnh dạn nói lời xin lỗi với người khác dù cho đó là ai. Hãy tập cho con thói quen không đổ lỗi cho người khác và phải biết cách nhìn nhận lỗi của mình để sửa chữa. Hay mỗi khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác, hãy dạy con bày tỏ lòng cảm ơn với người đó một cách chân thành nhất.

    2.5. Kỹ năng đề nghị sự giúp đỡ

    Đối với các em học sinh lớp 1, các em thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức mới, trong môi trường học đường cũng như trong cuộc sống. Sẽ thật đáng lo ngại nếu các em chỉ giữ im lặng vì ngại mở lời nhờ người khác giúp đỡ. Ba mẹ hãy sớm trang bị cho trẻ kỹ năng đề nghị sự giúp đỡ cũng như khả năng tự ứng biến khi gặp vấn đề để trẻ luôn được giúp đỡ kịp thời:

  • Hỏi sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô đối với một bài học mà trẻ chưa rành dù đã cố gắng nghiên cứu rất kỹ.
  • La lớn nếu gặp kẻ xấu hay bất kỳ tình huống bất ngờ nào đó xảy đến.
  • Học cách yêu cầu sự giúp đỡ một cách cầu thị và chân thành nhất.
  • Ghi nhớ số điện thoại của ba, mẹ, anh, chị hoặc bất kỳ người thân nào trong gia đình để đề phòng trường hợp cần đến.
  • Nắm bắt một số cách giải quyết đối với một số trường hợp trẻ thường gặp phải.
  • 2.6. Tự lập, có thể tự chăm sóc, tự phục vụ bản thân

    Tuy con vẫn còn nhỏ tuổi và cần sự trợ giúp của ba mẹ, nhưng nếu cứ chỉ sống trong sự đùm bọc của ba mẹ, trẻ sẽ khó phát triển một cách toàn diện. Ngoài ra, nếu được trang bị những kỹ năng độc lập này từ sớm, ba mẹ cũng sẽ yên tâm được phần nào khi con học tập và ăn ở tại trường.

    Trong sinh hoạt hàng ngày, ba mẹ hãy hướng dẫn trẻ một số công việc như:

  • Tự lập trong việc ăn uống, tự dọn dẹp trong và sau khi ăn, tự biết uống nước khi thấy khát, biết cách tôn trọng người nấu ăn và biết cách vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau khi ăn.
  • Tự chăm sóc cơ thể, giữ gìn vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, tự vệ sinh cá nhân và tự sử dụng nhà vệ sinh khi cần thiết.
  • Tự biết cách mặc quần áo và đi giày, dép, biết giữ gìn tư trang cá nhân.
  • 2.7. Kỹ năng bảo vệ bản thân khi đi lạc

    Đôi khi, bản tính hiếu kỳ, năng động và tò mò khiến trẻ có thể đi lạc hoặc nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu. Vì vậy, ba mẹ cần đặc biệt lưu ý chỉ dạy cho trẻ một số cách ứng phó trong trường hợp trẻ không may gặp phải tình huống này, chẳng hạn như:

  • Biết cách từ chối tất cả lời mời hay đồ vật của người lạ.
  • La lớn yêu cầu sự giúp đỡ nếu không thể kháng cự.
  • Ghi nhớ số điện thoại, thông tin của người thân trong gia đình và cả địa chỉ nhà.
  • Biết cách nhờ cậy sự hỗ trợ của người xung quanh, nếu có thể, hãy hướng dẫn trẻ những nơi đáng tin cậy để đề nghị sự trợ giúp.
  • Biết cách giữ bình tình và không hoảng loạn khi đi lạc.
  • Ba mẹ cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc đưa đón con cũng như giám sát các hoạt động của con tại trường, lớp. Hãy luôn đảm bảo rằng con luôn ở trong một vòng tròn bảo vệ khép kín mà ở đó con sẽ có sự an toàn tuyệt đối.

    2.8. Kỹ năng phòng chống xâm hại

    Thông thường, các em mới vào lớp 1 sẽ không biết được đâu là hành động yêu thương và đâu là hành vi đồi bại. Nếu chúng ta không chỉ dạy các em cách phân biệt và phòng vệ từ sớm, hậu quả sẽ rất khôn lường.

    Để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ gặp phải vấn nạn này, ba mẹ hãy luôn luôn cởi mở hơn trong việc giáo dục cho trẻ những kiến thức liên quan đến giới tính, bộ phận sinh dục cũng như mức độ thân mật cho phép. Ngoài ra, hãy hướng dẫn trẻ một số cách để bảo vệ bản thân, hạn chế tiếp xúc với người lạ và biết cách lên tiếng nếu không may gặp phải tình huống đó. Ba mẹ cũng có thể đưa ra một số tình huống giả định để trẻ phân biệt được đâu là hành vi xâm phạm cần phải tránh xa.

    2.9. Kỹ năng vận động

    Để phát triển một cách toàn diện nhất, trẻ cũng nên rèn luyện tinh thần thể dục, thể thao của mình. Bước vào lớp 1, việc học đôi khi sẽ chiếm nhiều thời gian nên trẻ sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Hơn nữa, đây cũng là giai đoạn vàng để trẻ phát triển thể chất của mình. Thế nên, ba mẹ hãy khuyến khích trẻ dành thêm thời gian cho việc tập luyện, vui chơi, dù đó là hoạt động ở lớp hay ở nhà.

    Ba mẹ hãy tìm hiểu xem trẻ có hứng thú với môn thể thao nào để từ đó đưa ra định hướng luyện tập cho trẻ. Để đảm bảo thời gian học tập và thời gian rèn luyện thể chất, ba mẹ cũng cần xây dựng một thời gian biểu bao gồm các hoạt động trong tuần hoặc trong ngày sao cho phù hợp. Một điều mà ba mẹ cần đặc biệt lưu tâm là hãy chỉ chọn những môn thể thao và những hoạt động vừa với sức lực với trẻ.

    2.10. Giữ trật tự trong lớp học

    Giữ trật tự trong lớp học cũng là một trong những kỹ năng trẻ cần được trang bị khi bước chân vào lớp 1. Để trẻ sớm có thói quen này, ba mẹ có thể áp dụng một số biện pháp khen phạt thích đáng khi con học tập hay sinh hoạt tại nhà.

    Ba mẹ cũng cần nói ra lý do vì sao trẻ phải giữ trật tự trong lớp học để tránh ảnh hưởng đến việc học của mình và của bạn bè. Không chỉ trong phạm vi lớp học, trẻ cũng cần được khuyến khích giữ im lặng tại một số nơi trang trọng như các buổi chào cờ hay các buổi lễ quan trọng.

    3. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi bước vào lớp 1

    Để con có một tâm thế tự tin và sẵn sàng bước vào lớp 1, ba mẹ hãy giúp con chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng. Không còn là những hoạt động vui chơi như chương trình mầm non, giờ đây, các em sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc học một cách nghiêm túc và kỷ luật nhất. Điều này cũng đòi hỏi các em phải có sự thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của các hoạt động diễn ra trong ngày.

    Hơn nữa, đối với một số bé đã quen với sự chăm sóc của ba mẹ hay các cô giáo mầm non, các em sẽ gặp khó khăn khi phải thay đổi môi trường sinh hoạt mới, nơi các giáo viên sẽ dành phần lớn sự quan tâm cho việc học tập của các em. Áp lực về thành tích học tập cũng sẽ là một trong những vấn đề mà các em học sinh lớp 1 phải sớm làm quen.

    Chính những thay đổi về mặt tâm sinh lý cũng như một số áp lực vô hình đã khiến cho các em có cảm giác hoang mang, lo sợ khi biết mình sắp vào lớp 1. Nếu không có sự chuẩn bị tâm lý cũng như sự can thiệp kịp thời của ba mẹ, con sẽ dễ gặp trở ngại trong một môi trường hoàn toàn mới này.

    Đó cũng là lý do giải thích vì sao ba mẹ cần thực hiện một số công tác tư tưởng theo cách dễ tiếp thu nhất trước khi con chính thức bắt đầu hành trình của mình. Ba mẹ cũng cần lưu ý rằng ở độ tuổi này, ba mẹ chính là những người cộng sự tuyệt vời giúp con vượt qua mọi rào cản. Vì vậy, hãy làm hậu phương hẫu thuận cho con về tất cả mọi mặt, chẳng hạn như:

  • Trở thành một người bạn luôn kề vai sát cánh bên con trên mỗi bước hành trình con đi và cũng cần tôn trọng quyền riêng tư của con.
  • Lắng nghe mọi câu chuyện của con và cùng con trao đổi, thảo luận nếu đó là điều làm con thắc mắc hoặc nghi vấn.
  • Khơi gợi sự yêu thích đối với việc học trong con. Ba mẹ cũng cần hạn chế việc trách mắng nếu con không làm bài tốt hay đạt điểm kém trong học tập.
  • Trao đổi thật chi tiết với con về những hành trang mà cả gia đình cần chuẩn bị để con vào lớp 1 tốt nhất.
  • Dành thời gian để đưa con tham quan trường Tiểu học mà con sẽ được học. Giới thiệu với con về những không gian học tập, các môn học tại trường, những hoạt động hiện có của trường,…
  • Điều chỉnh thời gian của các hoạt động hàng ngày của con như ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng cách.
  • Giúp con tìm những nhóm bạn có cùng sở thích để con dễ dàng làm quen và bắt nhịp với bạn bè.
Ban truyền thông
Sưu tầm

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ: