Tin tức

Trang chủ Tin tức

"Cuộc chiến" vào lớp Một

18/03/2023
940

Trong những năm gần đây bố mẹ ngày càng quan tâm đến việc chuẩn bị như thế nào cho con vào lớp Một. Việc thi xét tuyển đầu vào ở một số trường chất lượng cao có tỉ lệ cạnh tranh cao không thua kém gì tỉ lệ chọi thi vào cấp 3. Một phần bởi vì phụ huynh có điều kiện kinh tế hơn, quan tâm đến việc học của con nhiều hơn nên nhu cầu muốn con được vào các trường chất lượng ngay từ cấp một cũng cao hơn. Rất nhiều phụ huynh đã đầu tư việc học thêm Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh ngay từ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) để giúp con đỗ được vào những trường điểm. Các trường tiểu học cũng xây dựng những chương trình tiền tiểu học dành cho trẻ mầm non để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn con học đọc, học viết, học Toán trước khi vào lớp Một. 

Kết quả là trẻ em đang ngày có xu hướng bị “ép chín sớm” hơn, phải gánh trên vai nhiều sự kì vọng của cha mẹ. Còn phụ huynh lại càng thêm hoang mang và lo lắng vì không biết nên cho trẻ như thế nào để giúp con vững vàng cả về tâm lý, kỹ năng và kiến thức khi vào lớp Một. 

Điều đầu tiên tôi muốn nói với phụ huynh rằng công cuộc chuẩn bị những nền tảng kỹ năng và kiến thức cho trẻ cần có một quá trình rèn luyện từ nhỏ ở giai đoạn 2-3 tuổi trở đi chứ không phải chỉ có 1-2 năm trước khi vào lớp Một. Và trẻ nên được ưu tiên hình thành những kỹ năng mềm, sự tự tin và tự lập cùng khả năng thích nghi với môi trường mới chính là phần gốc quan trọng nhất. Còn việc biết đọc, biết tính toán chỉ là phần ngọn. Nếu phần gốc đã được nuôi dưỡng bền chặt thì khi vào lớp Một con sẽ vững vàng tiếp thu kiến thức để lớn lên khoẻ mạnh.  

Vậy những kỹ năng mềm nào bố mẹ cần ưu tiên nuôi dưỡng ngay từ 2-3 năm trước khi vào lớp Một. 

 Rèn luyện năng lực tư duy, tự suy nghĩ và khả năng thích nghi cho trẻ  

Khả năng thích nghi và đối diện với khó khăn (đừng bảo bọc con quá)

Bố mẹ có biết những trò chơi vận động leo trèo được thiết kế ở công viên xuất phát từ đâu không? Chính là xuất phát từ các nước Bắc Âu. Nền giáo dục ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch hay Na Uy, Thuỵ Điển luôn khuyến khích để trẻ con có nhiều thời gian vui chơi tự do ngoài trời và thậm chí chơi cả những trò chơi mạo hiểm. Họ lí giải rằng việc con trẻ được vui chơi và thử thách những trò leo trèo mạo hiểm chính là rèn luyện cho con trẻ khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt và đối mặt với thử thách để giúp chúng vượt qua khi đối diện với những vấn đề khó khăn của cuộc sống sau này. Vì thế những người Bắc Âu, đặc biệt là người Đan Mạch được đánh giá là những người cân bằng cuộc sống tốt nhất thế giới.

Trong cuốn “Cha Voi” giáo sư Trương Nguyện Thành cùng rất ca ngợi nền giáo dục của Đan Mạch dạy cho con trẻ cách đối diện khó khăn để học cách cân bằng cuộc sống, vì đây là năng lực vô cùng quan trọng mà trẻ con thời nay sẽ phải đối diện trong xã hội hiện đại. 

Nhưng với trẻ con Việt Nam hiện nay lại đang được cha mẹ và ông bà bao bọc quá mức khiến cho khả năng thích nghi với môi trường và khả năng vượt qua được khó khăn thử thách đang ngày càng yếu đi. Đặc biệt là trẻ em sống ở những thành phố lớn không có môi trường được trải nghiệm phong phú, cha mẹ vẫn còn tâm lý không dám buông tay để con tự lập. Để trẻ tự tin vững bước vào lớp Một, trẻ cần có những trải nghiệm đối diện với thử thách thông qua vui chơi vận động cơ thể, tiếp xúc với môi trường thiên nhiên và điều kiện thời tiết đa dạng để tăng khả năng thích ứng. 

Cho con được tự chủ, tự ra quyết định và hiểu việc học là việc của bản thân con 

Việc học nên để trẻ được tự quyết định vì đó là công việc của trẻ. Điều cha mẹ cần làm là xây dựng cho trẻ thói quen tự suy nghĩ, tự ra quyết định và tự sắp xếp thời gian. Thói quen này nên được rèn luyện từ khi trẻ tầm 2-3 tuổi. 

Những trẻ có chính kiến sẽ là những đứa trẻ biết rõ mình muốn gì. Khi bố mẹ nuôi dưỡng được những em bé có chính kiến, sẽ thật dễ dàng để bố mẹ gieo cho trẻ giá trị quan “việc học là việc của bản thân con”, để giúp trẻ có ý thức trách nhiệm với việc học hơn. 

Tôi luôn nói với Bon rằng việc học là việc của con vì con là người học nên con phải tự làm và tự chịu trách nhiệm. Khi khuyến khích Bon làm một điều gì đó tôi sẽ nói cho con biết mục đích việc con làm là gì để con hợp tác. Bố mẹ sẽ đồng hành cùng con trong việc giúp con tìm ra cách học tốt và hiệu quả nhất. Ví dụ như hỗ trợ Bon trong việc ghi ra danh sách việc cần làm mỗi buổi sáng và tối, đặt câu hỏi để giúp con nhớ những nhiệm vụ con phải làm, bài tập trên lớp và bài tập làm thêm ở nhà. 

 Rèn luyện tư duy phản biện thông qua cách đặt câu hỏi với con 

Có ai đó đã nói rằng nếu bạn đặt một câu hỏi đúng, bạn đã tìm được một nửa đáp án rồi. Kỹ năng đặt câu hỏi là điều cực kì quan trọng để rèn luyện tư duy cho trẻ. Tiếc là giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường ở Việt Nam lại rất ít chú trọng đến khía cạnh này. Trong cuốn “Cha Voi”, GS Trương Nguyện Thành có viết rằng “Tư duy phản biện là tư duy suy nghĩ chín chắn và đa chiều”, vì thế ông thường hay đặt với các con câu hỏi “Tại sao con nghĩ vậy. Nếu con là người đó con sẽ nghĩ gì, làm gì. Con thử đặt mình vào vị trí người đó để suy nghĩ xem…”. Tôi thấy rằng nhờ thói quen thường xuyên đặt câu hỏi với Bon từ giai đoạn 4-5 tuổi trở đi nên con suy nghĩ độc lập, có chính kiến và biết lập luận để đưa ra các lí do, cũng như biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Bố mẹ hãy đọc thêm ở bài “Nuôi dưỡng năng lực tự suy nghĩ và bày tỏ chính kiến”. 

Trong quá trình làm việc ở trường mầm non, tiếp xúc với những trẻ 4-6 tuổi tôi nhận thấy rằng không có nhiều cha mẹ Việt Nam có thói quen đặt câu hỏi với con trong những cuộc trò chuyện hàng ngày. Thậm chí thời gian bố mẹ dành ra để nói chuyện với trẻ cũng ít. Nhưng nếu trẻ nào được bố mẹ quan tâm và biết cách nói chuyện thì tư duy của trẻ sẽ nổi trội hơn hẳn. Vì thế cha mẹ có dành thời gian để trò chuyện và quan tâm đến trẻ hay không sẽ đóng vai trò quan trọng nhất đến việc hình thành nên tư duy và khả năng ngôn ngữ cho con. Nó là nền tảng tốt nhất để giúp con vững vàng vào lớp Một. 

Ban truyền thông
Sưu tầm

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 6 đánh giá
Chia sẻ: